Mơ màng với "Hạ Long giữa đại ngàn"

Lâm Bình là một huyện vùng cao ở phía bắc tỉnh Tuyên Quang, có địa hình nhiều núi đá vôi, thấp dần từ bắc xuống nam, khí hậu mát mẻ dễ chịu, tạo nên cảnh quan thiên nhiên núi non hùng vĩ, với nhiều nét đẹp mơ màng đến mức có người đã ví cảnh quan thiên nhiên ở Lâm Bình như là một "Hạ Long" giữa đại ngàn.

Khi đến Lâm Bình, có rất nhiều cảnh quan trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang thu hút du khách đến mức không thể bỏ qua. Giữa một vùng núi non trùng điệp là một hồ nước rộng lớn, trong xanh, tĩnh lặng, đẹp đến mơ màng. Có thể lựa chọn khám phá lòng hồ bằng nhiều hình thức, điển hình như di chuyển bằng thuyền theo tuyến: Tuyến từ Bến Thủy đi dọc theo sông Năng tới Bản Lãm, xã Khâu Tinh (Nà Hang); tuyến từ Bến Thủy đi dọc theo sông Gâm tới núi Cọc Vài thuộc địa phận xã Thượng Lâm (Lâm Bình) và tới Bắc Mê (Hà Giang). Núi Đôi giữa hồ nước chính là ranh giới hai huyện Lâm Bình và Na Hang. Ở mỗi thời điểm khác nhau trong ngày, cảnh sắc trên hồ lại thay đổi rất sinh động, hấp dẫn du khách.

Mỗi ngọn núi trên lòng hồ đều có những truyền thuyết đậm chất huyền bí. Núi Pắc Tạ sừng sững gắn liền với truyền thuyết voi rừng giúp dân làng đánh đuổi giặc xâm lăng, cúi mình bên nậm rượu lớn, dưới chân là ngôi đền linh thiêng gắn với truyền thuyết về tướng quân Trần Nhật Duật. Có khi mây trắng buông hờ lưng chừng núi như chiếc khăn mỏng trên vai người thiếu nữ. Có lúc màn mây trắng lại như một bức rèm che khuất trái núi lớn, chỉ còn để chóp núi hiện ra giữa lưng chừng trời.

 

Thung lũng Bản Cài

Núi Đôi chính là ranh giới 2 huyện Lâm Bình và Na Hang

Cọc Vài (tiếng Tày nghĩa là “cọc buộc trâu”), một ngọn núi hình trụ, cô đơn nổi lên giữa hồ với muôn vàn lớp đá mỏng, lặng lẽ soi mình giữa làn nước trong, lung linh giữa muôn ngàn con sóng nhỏ. Là biểu tượng của du lịch huyện Lâm Bình, Cọc Vài được biết đến  với sự tích của người khổng lồ Tài Ngào giữa miền sơn cước, hấp dẫn du khách gần xa, thì thầm cất lên câu chuyện thuở hồng hoang oanh liệt của mình.

Đi dọc lòng hồ luôn thấy cảnh sông nước núi non hùng vĩ, những khối đá tai mèo dưới chân những cánh rừng nguyên sinh trải dài hai bờ. Mỗi khối đá có một kiểu uốn nếp khác nhau, tạo nên những hình tượng vô cùng sinh động. Giữa tiếng sóng vỗ dạt dào là tiếng rừng xào xạc, du dương. Không gian thẳm xanh, sạch sẽ và trong lành khiến du khách tạm quên đi cái xô bồ, ồn ào, ngột ngạt nơi phố thị. Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: "Rừng nguyên sinh nơi đây vẫn còn khá nhiều loại cây gỗ to, quý hiếm và là nơi sinh sống của một số loại động vật như khỉ, nai, đặc biệt là loài voọc mũi hếch, một loài thú quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam...".

Trên lòng hồ có khá nhiều thác nước. Một trong những thác nước gây nhiều chú ý của khách du lịch là Thác Khuổi Nhi. Thác này có nhiều tầng, nước chảy mạnh từ trên cao xuống, như mái tóc dài của thiếu nữ, tung bọt trắng xóa vào vách núi. Cũng tại đây, có những đàn cá nhỏ thường bám vào chân người và "rỉa chân", tạo cảm giác thư thái, thoải mái cho du khách như đang được mát-xa.

Xa xa, vùng đất Thượng Lâm với truyền thuyết 99 ngọn núi và 100 con chim phượng hoàng bay rợp trời tới đây tìm đất định đô, im lặng giữ riêng cho mình những bí mật thuở xưa. Từng đàn cò trắng chấp chới cánh trắng trong nắng vàng, giữa đại ngàn, trên nước biếc càng làm cho cảnh sắc trên hồ thêm nên thơ.

Ai đã từng biết đến vẻ đẹp của lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, ít nhất cũng nên một lần ghé thăm phần "Hạ Long giữa đại ngàn" nhìn từ phía Lâm Bình, để trải nghiệm và hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa truyền thống và các món ăn đặc sản của người dân bản địa những ngọn núi trùng điệp cùng với mặt nước trong veo và cảnh vật hữu tình nơi đây luôn để lại những ấn tượng thật khó quên.

Ban Trinh Tú

Tin cùng chuyên mục