Lâm Bình phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế

Nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế, những năm qua Đảng bộ huyện Lâm Bình đã đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng Nghị quyết chuyên đề, tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển cây, con là đặc sản, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chi bộ thôn Nặm Chá, xã Lăng Can hiện có 29 đảng viên đang tham gia sinh hoạt. Để lãnh đạo được trên 120 hộ gia đình nơi đây phát triển kinh tế, giảm nghèo, chi bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thôn và các tổ chức đoàn thể trong thôn tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con trong thôn tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, khoa học kỹ thuật để mở rộng mô hình kinh tế. Bên cạnh đó, mỗi đồng chí đảng viên trong chi bộ còn phát huy tính tiền phong gương mẫu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế để quần chúng nhân dân học tập và làm theo. Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời từ chi bộ nên các chỉ tiêu phát triển kinh tế hằng năm của thôn luôn đạt và vượt so với kế hoạch. Hiện nay, trong thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ gia đình như: trồng cam, cây rau Bò Khai, rau Cải Xoong, chăn nuôi trâu, bò. Đến hết năm 2020, thôn còn 6 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo, còn lại là hộ có mức sống từ trung bình trở lên. 

Vườn rau Bò khai của gia đình đồng chí Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Na ( bên trái) ở thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình

Lâm Bình là huyện thuần nông, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông vào trung tâm huyện và đến những vùng có lợi thế phát triển kinh tế, đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển KT - XH ở địa phương. Trước thực tiễn đó, Đảng bộ huyện Lâm Bình xác định, tập trung mọi nguồn lực lãnh đạo địa phương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Do vậy, Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, cùng với tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: đường giao thông, các công trình thủy lợi…Đảng bộ huyện còn ban hành, thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển một số cây trồng, vật nuôi đặc sản có lợi thế của địa phương. Triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2019 - 2020. Bám sát Nghị quyết phát triển kinh tế của Huyện ủy, Đảng bộ dưới cơ sở đã chỉ đạo các chi bộ quán triệt cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi và vận động người dân thâm canh tăng vụ, quay vòng sử dụng đất canh tác... Qua đó, đã từng bước hình thành một số vùng, chuỗi cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa như: mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt, dê núi, bò khai, cây dược liệu, phát triển trên 230 lồng cá tại vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Kinh tế du lịch cộng đồng Homestay đang từng bước phát triển. Huyện có 10 sản phẩm OCOP được phân hạng, đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh tế đã góp phần giữ vững niềm tin, tạo động lực, khí thế trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong huyện tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ra sức thi đua xây dựng huyện ngày càng phát triển. 

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của đảng viên Chẩu Văn Bình ở thôn Tống Pu, xã Bình An

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền và sự đoàn kết, nỗ lực của nhân dân, Lâm Bình vượt qua khó khăn, đưa kinh tế địa phương phát triển ổn định, đời sống thu nhập của người dân không ngừng nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 31,44%; cơ sở hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư… Hệ thống chính trị ổn định, QP-AN và trật tự an toàn xã hội đảm bảo.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục