Lâm Bình dự họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19

Chiều ngày 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Cuộc họp được kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước, để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng chống dịch thời gian tới. Dự họp trực tuyến tại điểm cầu huyện Lâm Bình có các đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, Nguyễn Văn Hiền, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; Các thành viên Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 huyện.

Điểm cầu huyện Lâm Bình dự họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, theo chỉ đạo của Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, ngày 25/8/2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được kiện toàn, nhằm huy động sự tham gia đầy đủ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Thay mặt Ban Chỉ đạo Quốc gia mới kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà Ban Chỉ đạo Quốc gia trước đây đã đạt được.

Hội nghị lần này được kết nối tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 705 quận, huyện, thị xã, thành phố và 9.043 xã, phường, thị trấn trong cả nước thông qua hệ thống trực tuyến, nhằm thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch từ Trung ương tới tận xã, phường, thị trấn; đồng thời để Trung ương gần với cơ sở hơn, thấu hiểu, chia sẻ được nhiều hơn với cơ sở. Tuy nhiên, trên cơ sở chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, công việc thuộc cấp nào, cơ quan nào, cấp đó, cơ quan đó phải thực hiện, trên nguyên tắc cấp trên chỉ đạo cấp dưới, cấp dưới phải báo cáo cấp trên, ngang cấp sẽ phối hợp, chia sẻ cùng nhau.

Cuộc họp bàn về công tác phòng chống dịch nói chung nhưng tập trung vào trọng tâm là cấp xã, phường, thị trấn vì vừa qua chúng ta chuyển hướng phòng chống dịch theo phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ”. Điều này rất phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam, vì người dân sống ở xã, phường, thị trấn; xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với dân. Xã phường cũng có tương đối đầy đủ các thành tố của hệ thống chính trị theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là trung tâm, chủ thể của công tác phòng chống dịch; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22/8 - 4/9/2021 tại 23 địa phương đã ghi nhận 160.592 ca mắc. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh, từ 27/4 đến ngày 4/9/2021 ghi nhận tích lũy 245.188 ca mắc (chiếm 48,4% tổng số ca mắc của cả nước). Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng.

Trên cơ sở các tiêu chí kiểm soát dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong 23 địa phương, nhóm 1 gồm 8 địa phương: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên đang kiểm soát tốt dịch bệnh. So với cuộc họp lần trước của Ban Chỉ đạo ngày 29/8, Bình Phước, Phú Yên là 2 địa phương mới bổ sung vào nhóm đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhóm 2 gồm 11 địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch. Nhóm 3 gồm 4 địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch. Bộ Y tế nhận định, TP. Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn Thành phố cho nên số mắc mới tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Riêng Quận 7 và huyện Củ Chi đã kiểm soát được dịch, chuyển thành vùng xanh trên toàn địa bàn. Tại Bình Dương, Long An, Tiền Giang có số ca mắc được phát hiện qua tầm soát cộng đồng, sàng lọc tại cơ sở y tế trong 7 ngày vừa qua vẫn đang ở mức cao (chiếm khoảng 30-50%). Các tỉnh còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần trong 2 tuần qua.

Về công tác điều trị, giảm tử vong Bộ Y tế đã huy động trên 16.000 y, bác sỹ và cán bộ y tế hỗ trợ cho khu vực phía Nam. Cấp phát cho các địa phương 5.935 máy thở các loại, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu, 182 máy RT-PCR, 86 máy tách chiết, trên 10 triệu test nhanh, gần 2 triệu khẩu trang N95, gần 500.000 bộ trang phục phòng, chống dịch các loại.  Về tiêm vắc xin, đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 21,5 triệu liều, đạt gần 30% số người từ 18 tuổi trở lên; trong đó có trên 15 triệu người tiêm 1 liều và hơn 3,2 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, kết quả vừa qua cho thấy, công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường vì vậy vẫn phải tiếp tục cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và phải tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Các thành viên Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng chống, dịch Covid-19 huyện cùng dự họ trực tuyến

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện, góp phần sớm kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới” trên toàn quốc và thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, huyện Lâm Bình đã quán triệt tới các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về quan điểm chỉ đạo chống dịch như chống giặc; lấy xã, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sỹ, vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống dịch theo quy định. Từ ngày mùng 1 đến ngày 3 tháng 9 năm 2021, huyện đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch do đồng chí Bí thư cấp ủy đứng đầu; thành lập Trung tâm Chỉ huy do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đứng đầu, với sự tham gia đầy đủ các thành viên gồm Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo Đảng ủy các xã thị trấn. Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và tổ chức trực 24/24 giờ, nhằm tiếp nhận thông tin, kịp thời báo cáo Chỉ huy trưởng, các Phó Chỉ huy trưởng và các thành viên Trung tâm Chỉ huy theo lĩnh vực theo dõi phụ trách để kịp thời chỉ đạo xử lý hoặc đề xuất để chỉ đạo triển khai các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo thẩm quyền.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục