HĐND huyện Lâm Bình tổ chức kỳ họp chuyên đề thông qua Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình

Ngày 09/12, HĐND huyện Lâm Bình đã tổ chức kỳ họp chuyên đề thông qua Tờ trình của Uỷ ban nhân dân huyện và Dự thảo Nghị quyết của HĐND huyện về chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình. Dự kỳ họp có lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh; lãnh đạo huyện Lâm Bình có đồng chí Nguyễn Văn Dưng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, đại biểu HĐND huyện; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của huyện, lãnh đạo chủ chốt các xã trong toàn huyện. Đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Hoàng Văn Nha, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện chủ trì kỳ họp.

 Toàn cảnh kỳ họp chuyên đề

Tại kỳ họp, UBND huyện đã trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình. Theo đó nội dung của Tờ trình nêu rõ sự cần thiết cũng như các phương an điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình. Về điều chỉnh địa giới hành chính, thực hiện yêu cầu công tác quản lý và phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định đời sống cho Nhân dân ở những xã bị tác động ảnh hưởng khi xây dựng công trình Thủy điện Tuyên Quang. Ngày 28/01/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 07/NQ-CP về điều chỉnh địa giới 05 xã (Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can, Phúc Yên, Xuân Lập) của huyện Nà Hang và 03 xã (Thổ Bình, Hồng Quang, Bình An) của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang thành lập huyện Lâm Bình thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Sau gần 10 năm thành lập, huyện Lâm Bình luôn được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, kết cấu hạ tầng của huyện đã được đầu tư xây dựng mới, kiên cố, khang trang từ trung tâm huyện đến tất cả các xã trên địa bàn; đời sống văn hóa, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 15,6%/năm; thu nhập bình quân 30,1 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách địa phương tăng từ 11 tỷ đồng năm 2015 lên trên 18 tỷ đồng năm 2019, thực hiện năm 2020 ước đạt trên 18 tỷ đồng. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 6,82%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 60,79% năm 2015 xuống còn 36,03% cuối năm 2019, năm 2020 giảm còn 31%. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo. Chính trị ổn định, quốc phòng được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững.

Xã Phúc Sơn và xã Minh Quang là 02 xã thuộc huyện Chiêm Hóa, cùng với 03 xã Hồng Quang, Thổ Bình và Bình An của huyện Lâm Bình tạo thành cụm các xã có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, cùng nằm trên trục đường Quốc lộ 279 (từ xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa đến xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình) và trên trục đường tỉnh lộ ĐT 188, tuyến đường từ Chiêm Hóa đi Lâm Bình. Từ khoảng giữa của 02 xã đến trung tâm huyện Chiêm Hóa là khoảng 29 km đến trung tâm huyện Lâm Bình khoảng 20 km, đồng thời 02 xã này ngăn cách với các xã còn lại của huyện Chiêm Hóa bởi đèo Lai và những dãy núi cao, do đó, khi chuyển về huyện Lâm Bình quản lý sẽ có nhiều thuận lợi.

Đại biểu dự kỳ họp

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính của xã Phúc Sơn và xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình sẽ có những thuận lợi nhất định:

Về quản lý hành chính: Sau khi điều chỉnh xã Phúc Sơn và xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý hành chính, quản lý dân cư. Nhân dân của xã Phúc Sơn, xã Minh Quang cùng với Nhân dân của 03 xã Hồng Quang, Thổ Bình và Bình An, huyện Lâm Bình sinh sống tập trung thành một cụm xã; khắc phục được tình trạng cùng một cụm xã có nhiều đặc điểm tương đồng nhưng lại thuộc phạm vi quản lý hành chính của 02 huyện khác nhau.

Về sản xuất nông, lâm nghiệp: Với thế mạnh là nông, lâm nghiệp và dịch vụ, trong đó cây trồng chủ lực là cây lúa, cây lạc; chăn nuôi đại gia súc và cây lâm nghiệp, khi điều chỉnh địa giới hành chính tạo điều kiện để 02 xã Phúc Sơn, Minh Quang liên kết và mở rộng sản xuất, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung sản phẩm nông, lâm nghiệp hàng hóa như: Vùng sản xuất chuyên canh lúa, vùng sản xuất chuyên lạc, chế biến lâm sản; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của Nhân dân trong vùng. Việc điều chỉnh địa giới hành chính 02 xã Phúc Sơn, Minh Quang về huyện Lâm Bình tạo điều kiện thuận lợi hình thành các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có quy mô, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất háng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, đồng thời có điều kiện để mở rộng, liên kết các loại hình dịch vụ, do có đường giao thông Quốc lộ 279, tỉnh lộ ĐT 188 đi qua.

 Về văn hóa - xã hội: 02 xã Phúc Sơn và Minh Quang có nhiều nét tương đồng về phong tục tập quán, bản sắc văn hóa với các xã Thổ Bình, Hồng Quang, Bình An thuộc huyện Lâm Bình, là tiềm năng, lợi thế để cụm xã phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,…, liên kết với các mô hình dịch vụ du lịch sẵn có của huyện như Homestay, du lịch lòng hồ... tạo động lực để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động giữa các xã trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Về phát triển đô thị: Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính 02 xã Phúc Sơn và Minh Quang về huyện Lâm Bình, cùng với 03 xã là Thổ Bình, Hồng Quang, Bình An sẽ hình thành một khu vực thuận lợi về quỹ đất, về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội để lập quy hoạch khu dân cư theo trục đường Quốc lộ 279, ĐT 188, xây dựng trung tâm cụm xã hạt nhân về kinh tế, văn hóa, xã hội, dịch vụ, thương mại; tạo điều kiện để thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của vùng đồng bào các dân tộc nơi đây nói riêng và các xã, các vùng lân cận nói chung, dần tiến tới xây dựng quy hoạch đô thị loại V trong những năm tiếp theo.

Về quốc phòng, an ninh: Với vị trí 05 xã liền kề được bao bọc bởi các dãy núi cao nên thuận lợi việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch thế trận khu vực phòng thủ, phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Việc quản lý địa bàn được tập trung hơn, có điều kiện thuận lợi để thực hiện và đảm bảo an ninh, trật tự ở các xã.

Bên cạnh những thuận lợi, việc điều chỉnh địa giới hành chính 02 xã Phúc Sơn, Minh Quang về huyện Lâm Bình có thể phát sinh một số khó khăn nhất định, đó là: Nhân dân tại 02 xã phải chuyển đổi các loại giấy tờ tùy thân sau điều chỉnh địa giới hành chính nên có thể phát sinh tâm lý lo lắng dẫn đến ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện sẽ có giải pháp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện việc chuyển đổi giấy tờ cho Nhân dân.

Việc điều chỉnh địa giới hành chính 02 xã Phúc Sơn, Minh Quang về huyện Lâm Bình là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Tuyên Quang, chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất kết luận. Việc điều chỉnh địa giới hành chính 02 xã về huyện Lâm Bình quản lý không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các xã; việc khám, chữa bệnh của người dân được đảm bảo, người dân có thể lựa chọn việc khám, chữa bệnh ở Lâm Bình hoặc Chiêm Hóa theo điều kiện, nhu cầu; việc học tập của học sinh được đảm bảo ổn định do không thay đổi về quy mô trường, lớp học, đội ngũ giáo viên hiện có; việc vay vốn phát triển sản xuất và các chế độ, chính sách an sinh xã hội của người dân được đảm bảo; mặt khác còn có thuận lợi hơn khi được hưởng thêm các cơ chế, chính sách đối với huyện được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Hoạt động của chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn 02 xã được đảm bảo diễn ra bình thường; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đảm bảo công tác ổn định như trước khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính. Mặt khác, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện sẽ tập trung, thường xuyên, kịp thời hơn do có đơn vị hành chính hợp lý.

Về việc thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình là yêu cầu cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp để quản lý, điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý phù hợp với thực tiễn phát triển; đồng thời đáp ứng yêu cầu quy định có ít nhất 01 thị trấn đối với huyện và thị trấn Lăng Can là thị trấn huyện lỵ của huyện Lâm Bình, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện vì:

Xã Lăng Can được quy hoạch là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế - văn hóa, giáo dục của huyện. Trong những năm gần đây được tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa - xã hội; kinh tế - xã hội đã có bước phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ và du lịch, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Lao động phi nông nghiệp trên địa bàn xã ngày càng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống rõ rệt (từ 32,15% năm 2017 xuống còn 10,48% vào năm 2019). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; các chính sách, giải pháp giảm nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được quan tâm chú trọng; hệ thống giáo dục, y tế được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; tốc độ đô thị hóa trên địa bàn ngày một tăng… góp phần thay đổi đáng kể diện mạo. Quy hoạch xây dựng kiến trúc, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, quản lý dân cư, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự công cộng, cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường từng bước được hoàn thiện và phát triển.

Phương án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Bình bằng việc nhập 132,58 km2 diện tích tự nhiên và dân số 14.599 người của huyện Chiêm Hóa vào huyện Lâm Bình quản lý, bao gồm: Toàn bộ diện tích 90,91 km2, dân số 7.842 người của xã Phúc Sơn. Toàn bộ diện tích 41,67 km2, dân số 6.757 người của xã Minh Quang.

Về phương án thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình: Thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình trên cơ sở toàn bộ 73,33 km2 diện tích tự nhiên và dân số 8.373 người của xã Lăng Can, huyện Lâm Bình.

 Đại biểu HĐND huyện huyện phát biểu thảo luận tham gia ý kiến vào Dự thảo Tờ trình và Nghị quyết  điều trỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình.

Sau khi nghe Tờ trình của UBND huyện và dự thảo Nghị quyết về chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình. Và nghe Báo cáo của UBND huyện về kết quả lấy ý kiến cử tri, kết quả biểu quyết của HĐND xã Lăng Can về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình. Các đại biểu đã tham gia thảo luận đóng góp ý kiến vào Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết, các ý kiến phát biểu tại kỳ họp đều tán thành chủ trương và các phương án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình.

Tại kỳ họp HĐND huyện đã thông qua Nghị quyết về chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình. Và giao UBND huyện hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình trình UBND tỉnh Tuyên Quang và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục